Báo mạng Việt Nam (pháp danh khoa học: Puma Internet Vietnam) từ lâu đã là đối tượng quan tâm đặc biệt của các nhà sinh vật học hàng đầu thế giới. Hôm qua, tại Diễn đàn môi trường Viên-chăn, đã có hàng loạt ý kiến yêu cầu xem xét đưa báo mạng Việt Nam vào sách đỏ thế giới, đặt ở diện cần bảo vệ khẩn cấp.
|
Các nhà khoa học hoàn toàn bất lực trong việc sử dụng thuyết tiến hóa để lý giải sự đột biến về hình thái cơ thể của báo mạng Việt Nam |
“Tôi đã nghiên cứu rất nhiều loại báo: báo gấm châu Phi, báo sư tử châu Mỹ, báo hoa mai, báo tuyết, và hàng loạt loài động vật có vú khác. Nhưng không có loại báo nào nhiều vú như báo mạng Việt Nam” – nhà sinh vật Dương Thường Trực, người có nhiều năm theo dõi các đặc tính của cơ quan tính dục giống cái trên báo, nói tại diễn đàn.
“Báo mạng Việt Nam chắc chắn là động vật có vú” – nhà vi trùng học Vũ Hiển Vy đóng góp thêm – “Nhưng lại có tốc độ sinh sản như sinh vật đơn bào”. Theo công trình nghiên cứu mới của ông Hiển Vy, một đơn phân như “Choáng với bộ ảnh đầy đủ quần áo của Tiến Đoàn”, “Ngọc Trinh lộ ngấn bụng” hay “Sốc: Hoàng Thùy Linh đi chùa ngày chẵn”,… sau một giờ tồn tại trong cơ thể báo mạng Việt Nam, có thể tự nhân lên thành hàng trăm nghìn cá thể khác tương tự.
Báo mạng Việt Nam là loài động vật đặc hữu, chỉ tồn tại trong môi trường đô thị Việt Nam, không thể gặp ở bất kỳ đâu trên thế giới. Chính vì vậy, các nhà khoa học đang khẩn thiết yêu cầu WWF đưa báo mạng Việt Nam vào chung nhóm với tê giác Java, sao la và voọc Cát Bà, bảo tồn nghiêm ngặt.
Cô Ngọc Trinh, phát ngôn viên tập đoàn hót-gơn Việt Nam, đơn vị bảo trợ dinh dưỡng cho báo mạng Việt Nam, cho biết: “Khác với con người, báo mạng không thể ăn đất. Đây là loài động vật ăn thịt rất kén mồi. Thịt phải trắng, thơm, hồng, phảng phất mùi nước hoa Pháp nó mới ăn. Hiện chúng tôi đang rất vất vả trong việc sản xuất thức ăn cho báo mạng”.
|
Báo mạng thường ác cảm với các thực phẩm có da thịt không trắng hồng như hót-gơn. Trong ảnh là một con tê giác châu Phi có 2 cái sừng đang khóc thút thít vì bị báo mạng gọi là “tê giác Java một sừng”. |
Một số hót-gơn khác cho biết họ cảm thấy áy náy khi đã nhiều lần phát miễn phí loại thức ăn quý hiếm này dưới dạng cờ-líp, không dùng để nuôi báo mạng.
Hiện, báo mạng Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng về chủng loài, khi liên tục bị đe dọa bởi sự tấn công của thiên địch. Kẻ thù lớn nhất của báo mạng Việt Nam trong tự nhiên là các độc giả (pháp danh khoa học: Fake Poison).
“Phương thức tấn công điển hình của các độc giả lên báo mạng có quy trình như sau: kích vào trang chủ, tìm tít giật gân, kích vào bài, đọc lướt, kích vào thanh địa chỉ, kích chuột phải cóp địa chỉ, kích chuyển táp sang phây-búc, kích vào ô trạng thái, kích chuột phải pết địa chỉ, gõ một vài câu như: “Thật không thể hiểu nổi đạo đức…” hoặc “Hết sức vô liêm sỷ…, kích vào nút pốt xờ-ta-tút’” – ông Thường Trực phân tích. Quá trình này đòi hỏi ít nhất 8 lần kích chuột, chưa kể côm-mên và kích lai. Như vậy, nếu bảo vệ báo mạng Việt Nam, có thể nâng cao đáng kể tuổi thọ chuột và bàn phím máy tính, bảo vệ môi trường. Cả 2 thứ này đều làm hoàn toàn bằng vật liệu không thể tiêu hủy.
Trong khi đó, cũng phát biểu tại diễn đàn…
|
Ông Hác-rít, giảng viên môn Sinh vật tại trường Hóc-guốt, cho biết ông chưa gặp con nào nguy hiểm và khó lường như con báo mạng Việt Nam. |
© hoanghoihan
Tin Khó Tin
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét