BẮC KINH - Bộ Ngoại Giao Trung Quốc mới đây triệu tập một giới chức cao cấp Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bắc Kinh đến để phản đối các phát biểu của Bộ Ngoại Giao Mỹ liên quan đến tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng ở biển Ðông, trong phản ứng mới nhất liên quan đến vấn đề này giữa hai nước.
|
Trung Quốc làm lễ chào cờ ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 24 Tháng Bảy, khi ra mắt “HÐND Tam Sa”. Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cướp đoạt sau một trận hải chiến với Hải quân VNCH Tháng Giêng, 1974. (Hình: Tân Hoa Xã) |
Trong bản thông cáo đưa ra vào chiều ngày Thứ Bảy, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng Thứ Trưởng Ngoại Giao Trương Côn Thịnh đã triệu tập Phó Ðại Sứ Mỹ Robert Wang đến để đưa phản ứng nghiêm trọng về vấn đề này.
Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm Thứ Sáu ra bản tuyên bố cho hay đang theo dõi sát tình hình ở biển Ðông, coi việc Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự trên một hòn đảo trong vùng “đi ngược lại các nỗ lực ngoại giao chung nhằm giải quyết các khác biệt và tạo thêm nguy cơ gia tăng căng thẳng trong vùng”.
Bản tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Mỹ hàm ý lên án Bắc Kinh là (dựa thế nước lớn, quân đội hùng mạnh) đe dọa các nước nhỏ phía Nam. Vùng biển Ðông đang trở thành ngòi nổ chiến tranh lớn nhất ở Á Châu do việc Trung Quốc tuyên bố 80% vùng biển này là của họ nằm trong mấy cái vạch hình “Lưỡi Bò,” giữa khi đang có nỗ lực của Việt Nam, Philippines và ba quốc gia khác nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên nơi đây.
Bắc Kinh và Washington hiện cũng có những bất đồng ý kiến về nhiều vấn đề, kể cả tỉ giá hối đoái đồng yuan, Tây Tạng và Ðài Loan.
Ông Trương Côn Thịnh nói rằng phát biểu của phía Mỹ “bất kể sự thật, lầm lẫn điều phải và trái, đưa ra tín hiện sai lầm và không giúp gì cho nỗ lực giữa các thành viên liên hệ nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong vùng biển Ðông hay khu vực Á Châu Thái Bình Dương”.
Một bản thông cáo khác hôm Thứ Sáu do phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Tần Cương đưa ra đả kích hành động của Washington là “gửi tín hiệu sai lầm” và cũng lập lại rằng Trung Quốc hoàn toàn có chủ quyền trên toàn vùng biển Ðông và có quyền thành lập cơ quan hành chánh để quản trị khu vực này như đã làm hồi tháng qua.
Tại Hà Nội, báo điện tử Infonet (cơ quan tuyên truyền của Bộ Thông Tin-Truyền Thông CSVN) gọi những lời đả kích và lập luận của Bắc Kinh là “gắp lửa bỏ tay người”.
Ngoài việc đả kích Mỹ xía vào tranh chấp biển Ðông, Bắc Kinh còn vu cáo Hà Nội và Manila là không tôn trọng Bản Tuyên Bố Ứng Xử Biển Ðông (DOC).
Tân Hoa Xã viết trong bài bình luận rằng: “Một số quốc gia nhất định đã không tôn trọng và tuân thủ DOC, liên tục lợi dụng các nguyên tắc và tinh thần của DOC để thực hiện những hành vi khiêu khích. Ðiều này đã tạo ra những sự khó khăn trong khi đàm phán xây dựng Bộ Quy Tắc về Ứng Xử Trên biển Ðông (COC).”
Ngày 5 Tháng Tám, Tân Hoa Xã đưa lời kêu gọi của bà Thứ Trưởng Ngoại Giao Phó Doanh, lập lại lập luận “Biển Ðông không phải là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc mà chỉ là giữa Trung Quốc và những nước liên quan”. Bà đổ lỗi cho Việt Nam và Philippines đã làm ngược lại cam kết DOC.
Infonet nêu ra nhiều thí dụ chứng tỏ Bắc Kinh “cậy thế làm càn” trên vùng biển Ðông và “liên tục thể hiện thái độ hung hăng và khiêu khích các quốc gia láng giềng khác trên những vùng biển giáp ranh”.
Cùng một ngày với lời tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa ra ngày 2 Tháng Tám, Thượng Viện Hoa Kỳ cũng thông qua một nghị quyết nêu quan điểm giới lập pháp ủng hộ giải pháp giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông bằng các đàm phán đa phương vì liên quan đến quyền lợi của nhiều nước.
Ngày 3 Tháng Tám, Hội Nghề Cá Trung Ương Việt Nam ra bản tuyên bố gọi hành động Trung Quốc xua hàng chục ngàn tàu đánh cá xuống vùng biển Ðông của Việt Nam để vơ vét hải sản là hành động “xâm lược”.
Một số báo ở Việt Nam đưa tin Hội Nghề Cá phản đối Trung Quốc, nhưng không nêu lời kết án Bắc Kinh “xâm lược”.
Với những diễn biến đang xảy ra, tình hình biển Ðông rất khó dự đoán sẽ theo chiều hướng nào nếu Bắc Kinh vẫn tham lam đòi chiếm gần hết. Không những chiếm các quần đảo và vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam) và Trung Sa (của Philippines), Trung Quốc lại còn tham lam lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines.
Không những chỉ đòi thảo luận tay đôi với từng nước để giải quyết tranh chấp cho dễ lấy thế nước lớn để áp đảo, Bắc Kinh nhiều lần cũng bắn tiếng chống một Bộ Quy Tắc Ứng Xử nếu các nước ASEAN muốn đưa ra vào lúc Bắc Kinh không muốn.
Theo Người Việt Online
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét